Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai được khuyến nghị. Nếu mang thai đôi, mẹ bầu sẽ cần khám thai thường xuyên hơn và có thể cần thêm các xét nghiệm như siêu âm để kiểm tra sự phát triển của em bé và lượng nước ối. Hãy cùng Ocean Omega 3 Series phân tích 9 mốc khám thai quan trọng để mẹ thuận tiện thăm khám nhé!
Mục lục
1. Khám thai lần đầu (Tuần 5-8)
Lần khám thai đầu tiên vô cùng quan trọng. Mẹ bầu nên đi khám ngay khi phát hiện có thai bằng dấu hiệu trễ kinh, que thử thai 2 vạch hoặc các dấu hiệu mang thai sớm. Tại lần khám này, bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra sau:
- Đo chỉ số BMI: Để đánh giá tình trạng cân nặng và nguy cơ béo phì. Nếu chỉ số BMI quá cao, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát cân nặng.
- Kiểm tra huyết áp: Để phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật.
- Siêu âm: Xác định vị trí làm tổ của phôi thai và loại trừ nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra sự hiện diện của hormone hCG nếu siêu âm không rõ túi thai hoặc có dấu hiệu bất thường.
- Tính tuổi thai và ngày dự sinh: Dựa trên kết quả siêu âm hoặc ngày đầu tiên của kỳ kinh gần nhất.
- Đánh giá tiền sử bệnh lý: Của mẹ và gia đình để dự phòng các nguy cơ trong thai kỳ như tiền sử sảy thai, sinh non, tiền sản giật, hay các bệnh lý di truyền như Down, nứt đốt sống, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết, chế độ ăn uống khoa học, và tư vấn lối sống lành mạnh.
2. Khám thai tuần 8-10
Nếu ở lần khám đầu tiên chưa xác định được phôi thai hoặc tim thai, mẹ sẽ được hẹn lại vào tuần 8-10 để kiểm tra kỹ hơn. Lần khám này giúp đảm bảo rằng phôi thai đã làm tổ và tim thai hoạt động bình thường.
3. Khám thai 11-13 tuần 6 ngày
Đây là mốc khám quan trọng để tầm soát dị tật thai nhi đầu tiên. Khoảng thời gian 11-13 tuần 6 ngày là thời điểm tốt nhất để đo độ mờ da gáy, giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể như Down, Edward, Patau, và các bất thường hình thái học khác.
Xét nghiệm máu: Có thể được chỉ định để tầm soát các bất thường số lượng nhiễm sắc thể. Nếu có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể khuyến cáo thực hiện sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối để xác định chính xác.
4. Khám thai tuần 16-18
Tại mốc khám này, mẹ bầu sẽ được thực hiện các kiểm tra thường quy như cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm. Nếu chưa làm xét nghiệm máu để tầm soát các bất thường số lượng nhiễm sắc thể, mẹ sẽ được chỉ định làm Triple Test hoặc NIPT.
Đo chiều dài kênh cổ tử cung: Đối với những mẹ có nguy cơ sinh non.
5. Khám thai tuần 20-24
Khi thai nhi được 20-24 tuần tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện siêu âm 4D cùng các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra hình thái thai nhi, phát hiện những bất thường nếu có như hở hàm ếch, dị tật sứt môi, dị dạng ở cơ quan và nội tạng. Bác sĩ cũng đo chiều dài kênh cổ tử cung để tầm soát dấu hiệu sinh non. Đây cũng là thời điểm mẹ bầu tiêm vắc xin ngừa uốn ván mũi đầu tiên.
6. Khám thai tuần 24-28
Ở mốc khám này, mẹ bầu sẽ được thực hiện các kiểm tra lâm sàng để theo dõi sự phát triển của thai nhi và siêu âm 2D để kiểm tra lượng nước ối và vị trí bám của nhau thai.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose: Để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn thay đổi chế độ ăn, lối sống và dùng thêm insulin nếu cần.
- Tiêm vắc xin Boostrix: Nếu thai được hơn 27 tuần.
- Xét nghiệm viêm gan B: Để quyết định có điều trị viêm gan B nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi hay không.
7. Khám thai tuần 28-32
Sau các kiểm tra lâm sàng thường quy, mẹ bầu sẽ được chỉ định làm siêu âm hình thái học quý 3 để phát hiện các bất thường khởi phát muộn ở thai nhi như đầu nhỏ, bất thường hệ thần kinh trung ương, kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi.
8. Khám thai tuần 32-36
Kiểm tra ngôi thai và sự phát triển của thai nhi. Mẹ sẽ đi khám thai mỗi 2 tuần 1 lần. Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác.
9. Khám thai tuần 36-40
Ở giai đoạn này, mẹ bầu sẽ được hẹn tái khám mỗi tuần để bác sĩ đánh giá sức khỏe thai nhi thông qua siêu âm và đo tim thai, đồng thời đánh giá cổ tử cung và khung chậu của mẹ để tiên lượng khả năng sinh ngả âm đạo.
Lưu ý quan trọng
Đối với mẹ bầu có yếu tố nguy cơ cao hoặc tiền sử mang thai gặp biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định lịch khám thai dày đặc hơn để theo dõi sát sao. Các mẹ hãy cố gắng tuân thủ lịch trình khám thai và hướng dẫn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn cho cả mẹ và bé.
Tài liệu tham khảo:
1/Antenatal checks and tests https://www.nhs.uk/pregnancy/your-pregnancy-care/antenatal-checks-and-tests/, Website, N., 2023, nhs.uk, Truy cập ngày 10/07/2024
2/ How Often Do I Need Prenatal Visits? https://www.webmd.com/baby/how-often-do-i-need-prenatal-visits, Traci C. Johnson, MD, 2023, Webmd, Truy cập ngày 10/07/2024
Xem thêm: 10 dấu hiệu giúp mẹ nhận biết bầu trai hay gái [Xem ngay]